Da khô biểu hiện rõ ra ngoài với tình trạng bề mặt da thô ráp, sần sùi và thường có cảm giác ngứa, rát khó chịu. Nhận biết được thế nào là da khô sẽ giúp phái đẹp có phương pháp chăm sóc da đúng cách, hạn chế gây tổn thương, khiến cho da càng thêm thiếu nước, mất tính đàn hồi, dễ bị viêm nhiễm, đẩy nhanh quá trình lão hóa da.
Da khô là một trong những dấu hiệu cho thấy da đang bắt đầu bị lão hóa, có thể nhận biết bằng cách soi da dưới các thiết bị máy móc chuyên dụng, nhưng cũng có thể quan sát bằng mắt, sự cảm nhận của đôi tay hay cảm giác khó chịu do da bị kích ứng, cụ thể qua 3 biểu hiện sau:
Bề mặt da thô, sần, kém mềm mịn:
Biểu hiện đầu tiên của da khô bạn dễ dàng nhận biết là khi sờ tay lên mặt hay bất kỳ vùng da nào đều không cảm nhận được sự mềm mại mà có cảm giác da thô ráp, sần sùi, đôi khi có nhưng bong vẩy. Nhìn vào gương thấy rõ các nếp gấp trông thiếu sức sống và già trước tuổi.
Nguyên nhân là do cấu trúc nền của da bị hư tổn, các protein dạng sợi bị hao hụt, đứt gãy, đặc biệt các phân tử giữ nước proteoglycans bị giảm khả năng kết dính. Proteoglycans là phân tử có tác dụng duy trì độ ẩm cho da, giúp da có tính đàn hồi và mềm mịn. Nên khi các liên kết không còn được bền chặt, trở nên lỏng lẻo da sẽ bị mất nước, khô và kém mềm mượt.
Dễ bị mẩn đỏ, bong tróc:
Nếu người có làn da dầu thường cảm thấy phiền lòng vì da luôn bóng nhờn, thì ngược lại người bị khô da thường gặp tình trạng da xuất hiện các đốm đỏ hay bị bong tróc mỗi khi thời tiết chuyển sang lạnh hay khô hanh.
Biểu hiện của da khô mỗi khi thời tiết chuyển mùa là da mặt, cánh tay, bàn tay và gần như toàn bộ da chân xuất hiện các vẩy nhỏ li ti màu trắng, trông thiếu sức sống và kém thẩm mỹ. Khi da thiếu nước trầm trọng lại còn chịu ảnh hưởng của thời tiết sẽ làm lớp da ở lòng bàn tay, ngón chân, gót chân, lòng bàn chân… bị nứt nẻ, bong tróc những mảng lớn thậm chí bị chảy máu gây khó chịu, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Cảm giác ngứa, rát khó chịu:
Ngoài hai biểu hiện trên, những người có làn da khô thường hay bị ngứa, rát rất khó chịu. Vùng da thường hay bị ngứa là da mặt, cánh tay, bàn tay, cẳng chân, bụng và các khu vực thường hay bị ma sát như mắt cá chân, lòng bàn chân.
Ngứa có thể dẫn đến sự hình thành và phát triển của những vết xước trên da khi chúng ta không ngừng gãi. Trong lúc gãi, có thể làm giảm nhẹ cảm giác khó chịu, nhưng tình trạng ngứa ngáy, khó chịu ấy sẽ quay trở lại ngay sau đó. Liên tục gãi và chà xát da có thể làm cho da trở nên dày, thô ráp, gồ ghề, các vết xước lan rộng và tổn thương sâu hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng da.